Sỏi mật là một trong các bệnh về đường tiêu hóa, xảy ra trong túi mật và hệ thống đường dẫn mật trong gan, ống mật chủ. Vậy sỏi mật thực chất là gì? Sỏi mật có nguy hiểm không? Nguyên nhân nào dẫn đến sỏi mật? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Sỏi mật là gì?
Khái niệm:
- Sỏi mật là một khối cứng hình thành trong túi mật. Nó được tạo nên khi những thành phần của mật như cholesterol, sắc tố mật bilirubin kết tủa ra khỏi dung dịch.
- Sỏi mật có kích thước từ nhỏ bằng hạt cát đến lớn bằng quả bóng gôn. Một số người chỉ phát triển một viên sỏi mật, trong khi những người khác phát triển nhiều viên sỏi mật cùng một lúc với các kích thước khác nhau.
Phân loại sỏi mật
Sỏi mật gồm nước muối mật, sắc tố mật, canxi,.. cô đặc dần thành sỏi. Do đó sỏi mật được chia làm các dạng:
Sỏi cholesterol:
- Là loại sỏi mật phổ biến nhất
- Cấu tạo chủ yếu bằng cholesterol – là thành phần chuyển hóa của gan, thành phần của mỡ máu.
- Loại sỏi này có màu vàng sẫm, không cản quang, không hòa tan nhưng có thể chứa các thành phần khác
Sỏi sắc tố mật ( bilirubin ):
- Sỏi sắc tố đen: màu đen hình dạng không đều, được hình thành khi nồng độ bilirubin không liên hợp trong mật gia tăng (thường đi kèm với trường hợp huyết tán hoặc bệnh lý xơ gan)
- Sỏi sắc tố nâu: màu vàng hoặc màu nâu nhạt, là hậu quả của giun chui ống mật và nhiễm khuẩn đường mật
Sỏi muối mật:
Thường có màu đỏ và hay kết hợp với canxi
Nguyên nhân nào gây ra sỏi mật?
Ngoài hai nguyên nhân chính là cholesterol gây sỏi cholesterol và sắc tố bilirubin gây sỏi mật bilirubin thì còn có các yếu tố ảnh hưởng dẫn đến tạo sỏi mật, nhất là sỏi cholesterol:
Tuổi: Tuổi trên 60 có nguy cơ cao dễ mắc sỏi mật hơn các độ tuổi khác
Giới tính: Nữ giới thường bị sỏi mật nhiều hơn. Nghiên cứu cho thấy nữ ở độ tuổi 20 – 60 nguy cơ mắc sỏi mật gấp đôi nam giới
Béo phì: Là một trong những nguy cơ đáng lo ngại cho sỏi mật. Những người béo phì có xu hướng là tăng cholesterol trong máu
Giảm cân quá nhanh: Cân nặng giảm nhanh một cách đột ngột khiến gan phải tạo ra nhiều cholesterol hơn để đưa xuống túi mật
Nhịn đói: Nhịn đói làm giảm sự co bóp của túi mật dẫn đến cholesterol và các chất trong dịch mật dễ bị tích tụ
Phụ nữ có thai: Lượng estrogen dư thừa do thai nghén hay do uống thuốc ngừa thai làm tăng hàm lượng cholesterol
Ăn uống không khoa học: Ăn nhiều đồ ăn giàu cholesterol, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao gây sỏi mật
Mắc bệnh lý về gan: Các vấn đề về gan làm chức năng đào thải của gan suy giảm dẫn đến lượng cholesterol và bilirubin có khả năng ứ đọng
Bệnh ĐTĐ: Những người mắc bệnh tiểu đường có hàm lượng chất béo trung tính cao hơn người bình thường.
Yếu tố gia đình: Là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh sỏi mật.
Triệu chứng của sỏi mật là gì?
Sỏi mật được tìm thấy chủ yếu ở trong túi mật, do đó đa số bệnh nhân không có triệu chứng, thường được tình cờ phát hiện sau một lần thăm khám sức khỏe nhờ siêu âm bụng.
Sỏi túi mật có khả năng phát triển lên về kích thước lẫn số lượng hay di chuyển từ túi mật ra ngoài, nằm ở cổ túi mật hay bất kì vị trí nào trong ống mật chủ mà gây ra các triệu chứng cho bệnh nhân như:
- Đau bụng âm ỉ vùng thượng vị, vùng mạn sườn phải, đau có thể lan lên vai hoặc ra sau lưng
- Nôn, buồn nôn
- Đi tiểu sẫm màu
- Đầy bụng, khó tiêu
- Có thể có sốt
- Vàng da
Triệu chứng sỏi túi mật có thể nhầm với polyp túi mật, hoặc viêm túi mật…do đó muốn biết chính xác cần tiến hành siêu âm kỹ và làm các xét nghiệm cần thiết.
Sỏi mật có nguy hiểm không?
Khi sỏi trong túi mật quá nhiều hoặc sỏi nằm trong ống mật chủ sẽ gây ra các biến chứng có thể bao gồm:
Viêm túi mật: Sỏi mật bị mắc kẹt trong cổ túi mật có thể gây viêm túi mật, gây đau dữ dội và sốt.
Tắc nghẽn của ống mật chủ: Sỏi ở ống mật chủ dẫn đến lượng mật không được lưu thông xuống tụy và ruột non, lâu dần có thể gây đau dữ dội, vàng da, nhiễm trùng ống mật
Tắc nghẽn của ống tụy: Ống tụy là một ống chạy từ tuyến tụy và kết nối với ống mật chủ ngay trước khi đi vào tá tràng. Sỏi mật gây tắc nghẽn ống tụy, có thể dẫn đến viêm tụy cấp.
Ung thư túi mật: Những người có tiền sử sỏi mật tăng nguy cơ ung thư túi mật. Nhưng ung thư túi mật rất hiếm gặp, vì vậy dù nguy cơ ung thư tăng cao nhưng khả năng mắc ung thư túi mật vẫn rất nhỏ.
Chẩn đoán sỏi mật dựa vào đâu?
Ngoài các triệu chứng lâm sàng có thể có, để chẩn đoán sỏi mật một cách chính xác cần dựa vào kết quả cận lâm sàng:
Xét nghiệm máu:
- Đo lượng bilirubin trong máu
- Xác định các chỉ số của gan để kiểm tra chức năng gan
Siêu âm:
- Thủ thuật an toàn, gần như không có rủi ro, giá thành rẻ phù hợp với tất cả bệnh nhân
- Đây là xét nghiệm thường được sử dụng nhất để tìm các dấu hiệu của sỏi mật. Nó cũng có thể cho thấy những bất thường liên quan đến viêm túi mật cấp tính.
Siêu âm nội soi (EUS):
- Quy trình này có thể giúp xác định những viên sỏi nhỏ hơn có thể bị sót khi siêu âm ổ bụng.
- Trong quá trình EUS, bác sĩ của bạn sẽ đưa một ống mỏng, linh hoạt (ống nội soi) qua miệng và qua đường tiêu hóa của bạn.
Chụp X.Quang:
- Xét nghiệm này cho hình ảnh chụp ảnh gan và vùng bụng của bạn.
- Có thể phát hiện ra sỏi túi mật ( sỏi sắc tố mật, hỗn hợp hoặc canxi )
Chụp MRI:
- Khi chụp cắt lớp, nó có thể đưa ra các hình ảnh gợi ý nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn đường mật do sỏi.
Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP):
- Là một thủ thuật sử dụng máy ảnh và tia X để xem xét các vấn đề trong đường mật và tuyến tụy.
- Thủ thuật này giúp bác sĩ của bạn tìm kiếm sỏi mật mắc kẹt trong ống mật của bạn.
Điều trị sỏi mật như thế nào?
Tùy vào vị trí của sỏi mà có các hướng điều trị khác nhau. Nhìn chung có 3 phương pháp điều trị sỏi mật:
Điều trị ngoại khoa ( phẫu thuật )
Phẫu thuật cắt túi mật là một thủ tục phẫu thuật để loại bỏ túi mật – một cơ quan hình quả lê nằm ngay dưới gan ở phía trên bên phải của bụng.
Cắt túi mật là một phẫu thuật phổ biến và nó chỉ mang lại một nguy cơ biến chứng nhỏ. Trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể về nhà ngay trong ngày phẫu thuật cắt túi mật.
Tán sỏi ngoài cơ thể
- Mục đích của phương pháp này là làm giảm kích thước của sỏi mà không cần can thiệp phẫu thuật.
- Kỹ thuật này thích hợp cho sỏi mật đơn độc hay sỏi kẹt trong ống mật mà không thể lấy ra bằng phương pháp nội soi.
Điều trị nội khoa ( dùng thuốc )
- Là sử dụng thuốc làm tan sỏi mật bằng đường uống
- Có thể mất vài tháng hoặc nhiều năm điều trị để làm tan sỏi mật của bạn theo cách này và sỏi mật sẽ có khả năng hình thành trở lại nếu ngừng điều trị. Đôi khi thuốc không có tác dụng.
- Thuốc trị sỏi mật không được sử dụng phổ biến và chỉ dành cho những người không thể phẫu thuật.
Phòng bệnh sỏi mật?
Đa phần sỏi mật là do lắng đọng cholesterol nên để phòng bệnh sỏi mật, bạn nên thay đổi thói quen sinh hoạt ngay từ bây giờ:
Đừng bỏ bữa : Cố gắng tuân thủ giờ ăn thông thường của bạn mỗi ngày. Bỏ bữa hoặc nhịn ăn có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi mật.
Giảm cân từ từ: Nếu bạn cần giảm cân, hãy giảm cân một cách từ từ. Mục tiêu giảm khoảng 0.5 đến 1 kg một tuần.
Xây dựng chế độ ăn lành mạnh:
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, vitamin như trái cây, rau
- Nên Sử dụng các sản phẩm có chất béo tốt
- Dùng ngũ cốc nguyên hạt.
- Hạn chế đồ ăn nhiều cholesterol, sản phẩm từ chất béo xấu
- Hạn chế đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ
Xem thêm bài: Người bị sỏi mật nên ăn gì?
Duy trì cân nặng hợp lý: Béo phì và thừa cân làm tăng nguy cơ sỏi mật. Cố gắng đạt được cân nặng hợp lý bằng cách giảm lượng calo nạp vào cơ thể và tăng cường hoạt động thể chất.
Cố gắng tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút/ ngày
Ngoài ra phụ nữ nên hạn chế sử dụng biện pháp tránh thai bằng thuốc nội tiết tố