Phụ nữ thường bị sỏi mật hơn nam giới, đặc biệt phụ nữ độ tuổi mang thai có nguy cơ cao hơn. Tại sao phụ nữ mang thai lại dễ mắc sỏi mật hơn? Bệnh sỏi mật có gây nguy hiểm gì cho em bé không? Phòng bệnh sỏi mật ở phụ nữ mang thai thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp cho chị em trong thời kỳ mang thai có thêm hiểu biết về bệnh sỏi mật và cách phòng bệnh để cả mẹ và bé đều khỏe nhé.
Tại sao phụ nữ mang thai dễ mắc sỏi mật hơn?
Chức năng của túi mật là lưu trữ mật do gan sản xuất, hỗ trợ quá trình tiêu hóa chất béo. Sỏi mật có thể hình thành trong túi mật do mất cân bằng thành phần dịch mật. Những thay đổi xảy ra trong quá trình mang thai và một vài tuần đầu sau sinh khiến phụ nữ gặp một số vấn đề về túi mật. Một số nguyên nhân khiến phụ nữ dễ mắc sỏi mật khi mang thai là:
Thay đổi nội tiết tố:
Trong quá trình mang thai, nồng độ hormone estrogen và progesterone cao hơn mức bình thường, khiến quá trình tiết dịch mật bị chậm lại, gây cản trở sự co bóp của túi mật. Dịch mật tích tụ nhiều trong túi mật sẽ dễ trở nên cô đặc và hình thành sỏi.
Thừa cân, béo phì:
Chế độ ăn nhiều chất dinh dưỡng, giàu chất béo, giàu cholesterol khiến tăng cân nặng nhanh chóng dễ bị sỏi mật hơn. Nguyên nhân là do dịch mật tiết ra không đủ tiêu hóa chất béo dẫn đến dư thừa cholesterol trong túi mật và hình thành sỏi.
Yếu tố gia đình:
Trong gia đình có người bị mắc polyp túi mật thì người mẹ trong lúc mang thai sẽ có nguy cơ mắc polyp túi mật cao hơn những bà mẹ khác.
Bệnh lý thai kỳ ( ĐTĐ thai kỳ ):
Đái tháo đường thai kỳ làm thay đổi nội tiết tố dẫn đến hàm lượng cholesterol trong máu cao hơn mức bình thường
Ngoài ra: giảm cân đột ngột sau sinh:
Giảm cân nhanh chóng là một yếu tố nguy cơ khác gây ra bệnh sỏi mật. Sau khi sinh, phụ nữ rất tích cực giảm cân để lấy lại vóc dáng. Khi cơ thể đốt cháy chất béo quá nhanh sẽ khiến gan tiết ra thêm cholesterol vào mật, dẫn đến lắng đọng dịch mật và hình thành sỏi.
Phụ nữ mang thai mắc sỏi mật có nguy hiểm không?
Hầu hết các trường hợp mắc sỏi mật trong thời kỳ mang thai thường không gây ra triệu chứng bất thường gì. Những trường hợp này còn được gọi với cái tên “sỏi túi mật thầm lặng” và không gây ảnh hưởng đến chức năng túi mật cũng như sức khỏe của mẹ và bé.
Tuy nhiên khi sỏi mật tăng về kích thước hoặc số lượng sẽ di chuyển gây ra các triệu chứng hoặc biến chứng ảnh hưởng đến mẹ và bé. Người mẹ cần chú ý sự thay đổi cơ thể của mình qua những triệu chứng sau:
- Đau dưới xương sườn, phía bên phải, đặc biệt là sau khi ăn quá nhiều. Các cơn đau túi mật thường không gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Nếu cơn đau kéo dài >2h, người mẹ nên đến bệnh viện ngay
- Sốt, ớn lạnh
- Buồn nôn, nôn mửa nhiều
- Vàng da, vàng mắt
- Nước tiểu sẫm màu
- Phân màu bạc
Phụ nữ mang thai mắc sỏi mật điều trị như thế nào?
Dùng thuốc nội khoa hoặc không cần điều trị gì:
Sỏi mật ở phụ nữ mang thai thường thầm lặng nên chưa gây ảnh hưởng xấu nào đối với sự phát triển của thai nhi. Do đó nếu người mẹ trong lúc mang thai mắc sỏi mật mà không có bất cứ triệu chứng nào nghiêm trọng và khó chịu, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc để giảm triệu chứng hoặc không cần điều trị gì trong suốt thời gian mang thai.
Điều trị phẫu thuật:
Tiến thành phẫu thuật trong khi đang mang thai không phải là phương pháp điều trị lý tưởng cho mẹ và bé nhưng hoàn toàn có thể thực hiện một cách an toàn để cắt bỏ túi mật.
Sỏi mật phát triển lên về số lượng hay kích thước đều sẽ làm cản trở sự lưu thông của dịch mật, khiến túi mật không thể tống dịch mật ra ngoài được gây ra tình trạng đau kéo dài, nguy cơ biến chứng cao ảnh hưởng sức khỏe mẹ và bé. Những trường hợp này bác sĩ sẽ khuyên phẫu thuật .
Làm thế nào để giảm nguy cơ biến chứng ở phụ nữ mang thai mắc sỏi mật?
Sỏi mật ở phụ nữ mang thai chủ yếu liên quan đến hormon thay đổi trong thai kỳ và chế độ ăn dành cho người mẹ nên không có cách nào làm giảm nguy cơ mắc biến chứng do sỏi mật gây ra.
Tuy nhiên, xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ít chất béo, nhiều chất xơ khi mang thai có thể làm giảm nguy cơ và ngăn các biến chứng nặng nề của sỏi mật, giúp cả mẹ và em bé cùng khỏe mạnh.
Do đó, người mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống của mình: hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ chiên xào, tăng cường ăn nhiều rau xanh, chất xơ, hoa quả tươi… kết hợp với các bài tập thể dục nhẹ nhàng để tăng cường vận động đường mật và ngăn ngừa các biến chứng nặng nề mà sỏi mật có thể gây ra.
Phòng bệnh sỏi mật ở phụ nữ mang thai?
Để phòng bệnh sỏi mật trong thời kỳ mang thai hoặc sau sinh, người mẹ nên:
- Ăn nhiều chất xơ: Chế độ ăn nhiều chất xơ sẽ làm giảm sự hấp thu axit deoxycholic, nhờ đó cholesterol sẽ hòa tan dễ dàng hơn trong mật.
- Trái cây, rau quả và ngũ cốc là những lựa chọn rất giàu chất xơ tốt cho túi mật.
- Giữ cân nặng hợp lý: nên lựa chọn phương pháp giảm cân khoa học, cố gắng giảm không quá 1kg mỗi tuần sau sinh
- Chế biến các món luộc hấp hay cho đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ
- Uống đủ nước mỗi ngày để tăng đào thải chất độc ra khỏi cơ thể
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày với cường độ vừa phải
Lời khuyên:
Trong quá trình mang thai, cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi và nhạy cảm, làm ảnh hưởng đến hệ thống đường mật và dễ hình thành sỏi. Nếu người mẹ gặp phải các triệu chứng bất thường và không biến mất trong khoảng 1 – 2 giờ thì cần đến bệnh viện ngay để được khám và tư vấn hướng điều trị. Vì đấy có thể là những dấu hiệu cho thấy sỏi mật bắt đầu gây viêm và nhiễm trùng.
Ngoài ra nếu đã từng bị sỏi mật khi mang thai, nhiều khả năng bạn sẽ lại mắc lại tình trạng này ở lần mang thai kế tiếp. Do đó hãy luôn tạo cho mình một chế ăn uống dinh dưỡng, lành mạnh để giảm tỷ lệ mắc bệnh và giảm các nguy cơ, biến chứng do sỏi mật gây ra.
Bạn cần tư vấn
về bệnh sỏi túi mật?
Liên hệ ngay hoặc để lại câu hỏi trong phần bình luận dưới đây để chúng tôi hỗ trợ bạn miễn phí nhé!