Sỏi mật có nguy hiểm không? Có lẽ đây là câu hỏi mà những người đang bị sỏi mật hoặc những người biết rằng mình có nguy cơ bị bệnh này đang rất muốn tìm hiểu. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin và mức độ nguy hiểm của căn bệnh sỏi mật này nhé.
Chức năng của túi mật là gì?
Túi mật là một túi hình quả lê nằm ngay dưới thùy gan phải. Túi mật được nối liền với gan và ruột bằng một số ống nhỏ. Nhiệm vụ chính của túi mật là dự trữ dịch mật.
Dịch mật được tạo thành trong gan rồi theo các ống gan chung đi vào dự trữ tại túi mật, sau đó theo ống mật chủ xuống tá tràng mỗi khi có thức ăn.
Thức ăn vào đến tá tràng sẽ kích thích túi mật co bóp mạnh làm mở cơ vòng Oddi để tống một lượng mật cần thiết xuống tá tràng giúp tiêu hoá thức ăn. Như vậy, nếu không có túi mật thì dịch mật vẫn có thể tiết ra bình thường từ gan và đổ thẳng xuống tá tràng liên tục chứ không theo nhịp độ ăn uống như là khi còn túi mật.
Nguyên nhân chủ yếu nào gây ra sỏi mật?
Sỏi mật được hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó 2 nguyên nhân chính là cholesterol gây sỏi cholesterol và bilirubin gây sỏi mật bilirubin.
Sỏi mật dạng cholesterol thường gặp nhất. Thông thường, dịch mật có đủ thành phần để hòa tan cholesterol mà gan bài tiết ra. Tuy nhiên, nếu lượng quá nhiều cholesterol và dịch mật không hòa tan được hết sẽ gây ứ đọng cholesterol và lâu dần hình thành tinh thể, kết tinh lại thành sỏi mật.
Khi bạn gặp phải các vấn đề như xơ gan, rối loạn về máu, nhiễm trùng đường mật sẽ khiến gan tạo ra nhiều bilirubin trong dịch mật và lúc nào túi mật cũng chứa đầy mật.Lượng bilirubin dư thừa trong dịch mật sẽ tích tụ, cô đặc và lâu dần hình thành sỏi mật.
Triệu chứng của sỏi mật là gì?
Đa số sỏi mật không biểu hiện ra triệu chứng hoặc triệu chứng thầm lặng dễ nhầm lẫn nên người bệnh không để ý. Khi sỏi mật tăng về số lượng và kích thước sẽ gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Tùy vào vị trí sỏi và thể trạng của mỗi người mà có các triệu chứng, biểu hiện khác nhau.
Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý một số triệu chứng hay gặp sau:
- Đau bụng đột ngột dữ dội hoặc âm ỉ vùng mạn sườn phải, đau có thể lan lên vai hoặc ra sau lưng
- Đầy bụng, chán ăn, ngán đồ dầu mỡ
- Nôn, buồn nôn
- Đi tiểu sẫm màu
- Đầy bụng, khó tiêu
- Có thể có sốt 39 – 40 độ
- Vàng da
Bệnh sỏi mật có nguy hiểm không?
Sỏi mật trong một thời gian sẽ dẫn tới hàng loạt biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, ảnh hưởng tới chức năng của túi mật như:
- Viêm đường mật:
Khi bệnh nhân bị sỏi ống mật chủ, sỏi mật sẽ có thể bị nhiễm trùng đường mật, tạo các ổ áp xe trong gan. Tình trạng này sẽ dẫn tới viêm mủ đường mật vô cùng nguy hiểm cho chức năng của gan mật.
- Viêm túi mật cấp:
Đây là biến chứng nguy hiểm nhất do sỏi mật gây ra. Khi dịch mật tích tụ và bị tắc, túi mật nhiễm vi khuẩn cấp dẫn đến những tổn thương hủy hoại túi mật, hoại tử hay rò dịch mật, thậm chí có thể tử vong.
Các hạt sỏi mật không những gây tắc nghẽn đường lưu thông của dịch mật mà còn ngăn không cho dịch tụy đi xuống đường tiêu hóa gây tổn thương tuyến tụy, gây viêm tụy cấp và nguy cơ mắc phải bệnh tiểu đường.
Cách phòng ngừa biến chứng của sỏi mật
Nguyên nhân chính gây ra sỏi mật là sự dư thừa cholesterol. Do đó chúng ta nên xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh:
- Ăn đủ bữa:
Dù ăn ít ăn hay nhiều, chúng ta cũng nên ăn đúng bữa để dịch mật tiết ra được đều đặn, ngăn sỏi hình thành.
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh:
Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, các sản phẩm làm từ chất béo tốt, hạn chế đồ ăn nhiều cholesterol, sản phẩm từ chất béo xấu, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ
- Duy trì cân nặng hợp lý:
Béo phì, thừa cân hay giảm cân một cách nhanh chóng, đột ngột làm tăng nguy cơ sỏi mật.
- Tập thể dục đều đặn:
Cố gắng tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút/ ngày bằng các bài tập như dưỡng sinh, đi bộ, đạp xe, yoga, gym,…
Lời khuyên:
Bệnh sỏi mật có những dấu hiệu bệnh và biến chứng rất khó lường. Vì vậy đây là một bệnh nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Nếu phát hiện triệu chứng bất thường, bạn nên khám ngay để điều trị bệnh càng sớm càng tốt.